Làm bạn cùng con (Dành cho bố mẹ)
Nhiều người nghĩ rằng muốn làm bạn với con cần phải phức tạp, cần những lý thuyết này nọ, cần điều to lớn nọ kia… mà không biết rằng, để làm bạn với con, bạn có thể bắt đầu từ những điều đơn giản và nhỏ bé nhất.
Mong ước của bất cứ bậc cha mẹ nào trên thế giới này đều là được làm bạn cùng con, được con coi là nơi trút bầu tâm sự mọi điều. Làm bạn với con cũng là con đường ngắn nhất và thuận lợi nhất giúp cha mẹ nuôi dạy con dễ dàng hơn.
Dành thời gian cho con
Nhiều bà mẹ bận rộn tự hào khoe rằng họ bỏ ra 3-4 tiếng đồng hồ mỗi ngày để chơi với con, và trong 3-4 tiếng đó sẽ đút cho con ăn, tắm rửa cho con, dạy con học bài hay đọc sách cho con. Tuy nhiên, đó chỉ là những công việc chăm sóc. Nếu một ngày không có ít nhất 45 phút chơi với con thuần túy, ở đó không có áp lực học hành hay ăn uống… thì cha mẹ sẽ không thể trở thành người bạn của con.
Khi đi làm, ai cũng có nghìn lẻ áp lực đè lên người, nào là doanh số, kế hoạch, chỉ tiêu, tăng trưởng… khiến quỹ thời gian dành cho con ngày càng eo hẹp. Người lớn cho rằng họp hành, mở rộng quan hệ là thứ bắt buộc nhưng lại nghĩ chơi với con là điều có thể du di, không chơi hôm nay có thể ngày mai, con không chơi với bố mẹ sẽ còn có ông bà. Vô tình chúng ta đã đã tước mất thời gian được chơi cùng bố mẹ của bé, và bạn dần tách mình ra khỏi cuộc sống của bé.
Luôn luôn lắng nghe, tôn trọng câu chuyện của con
Kỹ năng cần thiết và quan trọng nhất của cha mẹ nếu muốn con thoải mái bộc lộ cảm xúc thật, đó là cần phải biết lắng nghe. Trẻ gặp chuyện buồn ở lớp, bị cô giáo mắng, điểm kém hay cãi nhau với bạn bè…và muốn tâm sự với mẹ, kết quả câu nghe được lại là: “Mẹ đã bảo con rồi. Con như vậy thì bảo sao…”.
Những câu chê trách, châm biếm như vậy thường không mang lại tác dụng. Trẻ cũng không vì những câu nói ấy mà rút ra được bất cứ kinh nghiệm gì ngoài việc tự hiểu rằng “lần sau không nói với mẹ nữa”. Chính vì vậy, khi thấy con có tâm sự, có điều cần sẻ chia, nhiệm vụ của mẹ là lắng nghe và tôn trọng những điều mình nghe thấy. Ngoài ra, hãy tập trung thật sự vào câu chuyện của con, đừng cố gắng tỏ ra hào hứng nhưng thực tế lại chẳng tập trung vào câu chuyện của trẻ.
Ôm hôn con nhiều nhất có thể
Người ta thường nói, càng lớn lên, những đứa con càng ít thể hiện những cái ôm, những lời nói yêu thương với cha mẹ mình. Điều này đôi khi tạo ra từ chính cách quan tâm con cái của cha mẹ.
Chúng ta tìm mua sữa tốt cho con nhưng lại quên việc thể hiện tình cảm. Điều này giống như ngôi nhà to đẹp nhưng thiếu hơi ấm. Khi còn nhỏ, ngoài việc ăn, chơi, ngủ, học… con còn cần một thứ cực kỳ quan trọng, đó là được ôm ấp và vuốt ve. Đây là nhu cầu mãnh liệt của bất cứ trẻ em nào.
Chúng ta hay suy nghĩ về những điều to tát mà quên đi những thứ bình thường. Những cái vô hình thực ra lớn hơn những cái có thể nắm bắt được rất nhiều. Đi tìm những cái vĩ đại không thể giúp con cái trở thành những người vĩ đại, bé có thể thành công, thành đạt nhưng chưa chắc đã thành nhân. Thành nhân chỉ có thể nhờ tình yêu thương của cha mẹ.
Cố gắng đặt mình vào vị trí của con
Có một sự thật là rất nhiều bậc phụ huynh luôn suy nghĩ rằng, mình là người từng trải, người hiểu chuyện và từ đó, họ dễ dàng phủ nhận cảm xúc và quan điểm của con.
Chỉ đơn giản như khi con nói: “Mặc cái áo này nóng và xấu lắm!”, các bậc phụ huynh sau đó ngay lập tức nói “Xấu đâu mà xấu, cái áo đó bao nhiêu bạn khác muốn có không được”. Việc này dần khiến trẻ ngại thể hiện cảm xúc và không sẵn sàng chia sẻ cảm xúc của bản thân chúng.
Ở ví dụ trên, cha mẹ nên nói: “Mẹ thấy chiếc áo đó khá được đấy, nhưng nếu muốn thì con có thể đổi chiếc khác”. Sau đó, cha mẹ có thể kể một câu chuyện cho trẻ. Hãy để trẻ biết cha mẹ cũng hiểu những cảm xúc của con sau đó mới giúp con thoát khỏi rắc rối.
Có thể thấy, việc làm bạn với con làm một hành trình dài và gian khó. Nhưng nó sẽ trở nên đơn giản hơn khi các bậc phụ huynh biết để tâm từ những điều nhỏ nhặt nhất, biết quan tâm con một cách tinh tế nhất. Làm bạn với con cũng giống một môn nghệ thuật, có thể không cần năng khiếu, nhưng nhất thiết cần sự chăm chỉ và tinh tế